Hiệp
hội tiêu dùng có thể tổ chức, phát động phong trào sâu, rộng: “Nói không với
Cocacola“ tới mọi người tiêu dùng yêu nước.
Với tinh thần tự tôn
dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, tinh thần yêu nước và tính đồng thuận
cao trong con người Việt Nam thì tôi tin Coca-Cola sẽ phải xem xét lại ngay lập
tức trách nhiệm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình một cách nghiêm
túc nếu muốn "tạo được mỏ neo bám chặt vào mảnh đất này" .
Theo số liệu của cục thuế TP Hồ Chí Minh công
bố Coca-Cola lỗ luỹ kế đến nay là 3.768 tỷ đồng trong khi vốn đầu tư chỉ có
2.950 tỷ đồng. Vậy Coca-Cola lỗ luỹ kế đang âm vào vốn chủ sở hữu là 818 tỷ đồng. Đáng chú ý là Coca-Cola lỗ liên
tục trong 20 năm đầu tư vào Việt Nam là từ tháng 2/1994 đến nay. Điều nay đã
gây bức xúc, áp lực lên cơ quan quản lý nhà nước, những đánh giá tiêu cực và cả
sự phẫn nộ của người dân Việt Nam với hình ảnh Coca-Cola .
Và ngạc nhiên hơn, cuối tháng 10/2012, ông Chủ
tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Coca-Cola
Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và tuyên bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu
USD vào Việt Nam trong 3 năm tới với mục tiêu dài hạn mở rộng nâng sản lượng từ
30 triệu/thùng/năm lên 300-500 triệu/thùng/năm .

Coca-Cola
nói gì về lỗ?
Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola
Việt Nam Nguyễn Khoa Mỹ nói trong cuộc trao đổi với báo chí: "Chúng tôi
mong muốn được khẳng định một điều rằng Coca-Cola ở Việt Nam không chuyển giá để
trốn thuế". Và khẳng định là một doanh nghiệp, Coca-Cola luôn cập nhật
thông tin đầy đủ các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của mình cho các cơ
quan chính phủ, truyền thông và báo chí và luôn minh bạch, tuân thủ đầy đủ các
quy định của pháp luật Việt Nam.
Cũng trong lần trả lời báo chí đó, họ cũng khẳng
định dù chưa có lãi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng Coca-Cola tính từ
năm 2008 đến tháng 5/2013 đã đóng là là 33 triệu USD cho nhiều loại thuế khác:
như thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế nhà thầu.....
và gián tiếp đóng thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân.
Người đại diện cao cấp nhất của tập đoàn,
trong chuyến làm việc tại Việt Nam, ông Phó Chủ tịch tập đoàn toàn cầu Irial
Finan chiều 6/6/2013 trả lời báo chí cũng khẳng định lại nguyên tắc quan trọng
nhất trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó là tuân thủ luật pháp kinh
doanh nước sở tại. Và rằng: "Chúng tôi đã đóng thuế rất nhiều, chỉ có điều
chúng tôi chưa có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì chưa có lợi nhuận".
Khi trả lời về việc tại sao khi lỗ vẫn tiếp tục
mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD vào sản xuất ở Việt Nam, Giám đốc Truyền
thông và Đối ngoại Coca-Cola Việt Nam Nguyễn Khoa Mỹ nói: Coca-Cola có đánh giá
cao và niềm tin mạnh mẽ vào sự thành công ở thị trường VIệt Nam về lâu dài, và
sự đầu tư đó cho hạ tầng cơ sở, máy móc, thiết bị, phát triển con người, thương
hiệu sản phẩm. Ông Phó Chủ tịch tập đoàn
toàn cầu Irial Finan nói rõ hơn là "đến đâu kinh doanh chúng tôi phải tạo
được mỏ neo bám chặt vào mảnh đất đó và đầu tư mở rộng kinh doanh để doanh nghiệp
đủ lớn, kinh doanh phát triển ổn định, bền vững để có lợi nhuận trong những năm
tới".
Cần suy
ngẫm
Phải công nhận rằng, thời gian đầu sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam,
làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ với các chính sách ưu
đãi của Chính phủ Việt Nam. Coca-Cola cũng là một trong số các công ty đi đầu
thời gian đó. Tính từ năm 1987 khi thực hiện Luật Đầu tư đến tháng 2/2013 đã có
14.500 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới gần 211
tỷ USD, vốn thực hiện trên 100 tỷ USD. Coca-Cola đầu tư vào Việt Nam mới có 400
triệu USD/100 tỷ USD vốn đầu tư FDI đã thực hiện. Vậy Coca-Cola là 1/14.500
doanh nghiệp FDI, chiếm 0,4% vốn giải ngân nên sự ảnh hưởng và sức lan toả của
Coca-Cola không quá to lớn và như đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp này. Đại diện
Coca-Cola cũng nói đã đóng thuế nhiều (!?). Nhưng các sắc thuế mà Coca-Cola Việt
Nam đóng là những khoản bắt buộc để được hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Đến Việt Nam sử dụng tài nguyên của đất nước thì phải đóng thuế tài nguyên chứ.
Làm ảnh hưởng môi trường thì phải góp phần vào xử lý môi trường chứ. Thuế môn
bài thì ai kinh doanh mà chẳng phải nộp… Nhưng thuế quan trọng nhất là thuế thu
nhập doanh nghiệp thì Coca-Cola lại không nộp mà còn lỗ 3768 tỷ đến nay.
Coca-Cola quá khổng lồ, quá tiếng tăm nhưng sẽ
quá khập khiễng và nực cười khi so sánh với những hộ cá thể kinh doanh, các cửa
hàng bán tạp hoá hay các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam gần như ai cũng có
đóng thuế thu nhập.
Họ nói nhiều đến sự
nghiêm túc trong tuân thủ luật pháp nước sở tại, với trách nhiệm là một công
dân, một doanh nghiệp. Chúng ta không nói được họ vi phạm luật pháp vì chúng ta
chưa chứng minh được hành vi chuyển giá. Dưới góc độ doanh nghiệp thì không chấp
nhận được sự nguỵ biện khi chấp nhận lỗ đến gần 20 năm mà vẫn đầu tư mở rộng, vẫn
hy vọng vào tương lai, vẫn muốn gắn kết và "bám chặt mảnh đất và con người
này". Và dưới góc độ công dân thì họ
là một công dân vô trách nhiệm, một công dân ích kỷ tham lam và đầy thủ đoạn
khi chỉ biết thụ hưởng những gì mà người ta đãi ngộ, tạo điều kiện cho mình mà
không muốn đóng góp một xu hào nào vào xã hội và cộng đồng, vào chính cho những
con người và cho dịch vụ của họ được hoạt động tốt.
Chúng ta nói những lời trên có phần cảm tính
vì chúng ta chưa chứng minh được họ sai. Nhưng từ lương tâm con người, từ thực
tế cuộc sống, từ đạo đức kinh doanh và từ trong ngõ ngách của các kỹ thuật và kỹ
năng về hạch toán của lợi thế mô hình công ty mẹ - con đa quốc gia họ cũng phải
tự vấn lương tâm mình để mà suy ngẫm.
Chúng ta ghi nhận sự tích cực của Coca-Cola
khi vào Việt Nam tạo ra nhiều việc làm và còn tạo hiệu ứng kéo theo các ngành
phụ trợ. Chúng ta cảm ơn Coca-Cola về những điều đó! Cảm ơn Coca-Cola đã làm dậy
sóng truyền hình, tài trợ các chương trình thể thao, đem đến nhưng mô hình cách
thức quản lý kinh doanh hiện đại. Nhưng thật đáng tiếc khi thông tin Coca-Cola
đẹp, hiện đại, nổi bật, khổng lồ như vậy mà không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp
so với một cửa hàng tạp hoá ở góc chợ. Rõ ràng đây là sự tổn thương rất lớn với
hình ảnh của Coca-Cola Việt Nam .
"Quyền lực mềm"
Ông Irial Finan khẳng định và chốt hạ việc
Coca-Cola lỗ là do kinh doanh chưa hiệu quả và sẵn sàng được thanh tra thuế nếu
có yêu cầu từ các cơ quan chính phủ.
Lời tuyển bố đầy tự tin nhưng cũng đầy thách
thức cơ quan chức năng, công luận. Họ biết chắc là họ sẽ không bao giờ thua khi
thanh tra thuế vì chúng ta không thể chứng minh được giá thực trong mua bán, số
liệu thực trong hệ tài chính giữa công ty mẹ và con.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được
hoặc vẫn có thể làm ở một mức độ nào đó. Cho dù chúng ta hội nhập nên phải tuân
thủ các quy ước quốc tế nhưng chúng ta vẫn có thể có những hàng rào kỹ thuật,
những thoả thuận thống nhất khi cấp phép đầu tư, chúng ta có những ưu đãi thì
cũng đòi hỏi họ kinh doanh hiệu quả ra sao? thời gian bao lâu? lợi nhuận thế
nào? đóng góp nộp thuế bao nhiêu?
Chúng ta cũng cần có một bộ phận nghiên cứu và
thanh tra chống chuyển giá quốc gia để nghiên cứu chuyên sâu và tìm mọi biện
pháp tư vấn, thanh kiểm tra các doanh nghiệp FDI lỗ triền miên.
Chúng ta có vài chục
doanh nghiệp FDI đang lỗ triền miên bất bình thường, ngoài Coca-Cola, Nestle'…vậy
còn doanh nghiệp nào khác nữa? Sao không công bố thông tin công khai trên
phương tiện thông tin đại chúng? Nghe nói Bộ Tài chính ngại công bố thông tin lại
ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài? Chẳng lẽ, chúng ta cần thu hút đầu tư
nước ngoài bằng mọi giá? Tôi nghĩ quan điểm này là vô hình ủng hộ, thao túng,
bao che cho chuyện lỗ triền miên; Và là không công bằng cho các doanh nghiệp
FDI khác nộp thuế nghiêm túc.
Khi các kỹ năng, nghiệp
vụ, các quy định pháp luật luôn thiếu và còn các khoảng trống để làm triệt để
hay hiệu quả ngay đối với vấn đề này thì chúng ta cần dùng đến "quyền lực
mềm" có thể có tính tích cực và hiệu quả nhanh hơn. Đó là "quyền lực
của người tiêu dùng yêu nước" mà người khởi xướng và cầm trịch là Hiệp hội
người tiêu dùng Việt Nam. Hiệp hội tiêu dùng có thể tổ chức, phát động phong
trào sâu, rộng: "Nói không với
Coca-Cola" tới mọi người tiêu dùng yêu nước. Với tinh thần tự tôn dân tộc,
ý thức trách nhiệm với xã hội, tinh thần yêu nước và tính đồng thuận cao trong
con người Việt Nam thì tôi tin Coca-Cola sẽ phải xem xét lại ngay lập tức trách
nhiệm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp
của mình một cách nghiêm túc nếu Coca-Cola muốn
"tạo được mỏ neo bám chặt vào mảnh đất" này!
Theo Công lý